Snapdragon là một trong những dòng chip di động phổ biến nhất hiện nay, đa số những chiếc smartphone cao cấp đến từ hãng nào đi nữa đều dùng Snapdragon, chưa kể hàng loạt máy tầm trung và giá rẻ cũng thế. Nhưng bạn có biết là Snapdragon cũng được phân thành nhiều dòng nhỏ nữa không? Mỗi dòng có sức mạnh và tính năng riêng, để phục vụ cho những mục đích rất khác nhau.Trong video ngày hôm nay, hay cùng NetOn tìm hiểu về 4 dòng chip Snapdragon đang rất phổ biến hiện nay nhé.
Giới thiệu ngắn cho bạn nào chưa biết về Snapdragon. Snapdragon là tên của một dòng System-on-Chip (SoC) do một công ty đến từ Mỹ tên là Qualcomm thiết kế và phân phối. SoC ở đây có thể hiểu hơi giống như CPU của máy tính nhưng kết hợp luôn cả bộ xử lý đồ họa, các con chip kết nối, bộ xử lý trí tuệ nhân tạo, bộ thu phát GPS, Wi-Fi, LTE và hàng tá những linh kiện khác vào chung 1 chip duy nhất cho gọn và tiết kiệm năng lượng.
SoC được dùng trên tất cả những chiếc smartphone ra mắt trong khoảng 8 năm trở lại đây, và nếu bạn gọi nó là bộ xử lý thì cũng không sai.
Hiện tại Qualcomm phân Snapdragon thành 4 dòng khác nhau gồm Snapdragon 200, 400, 600 và 800. Họ gọi đây là 4 nền tảng (platform) và được đánh số khá rõ ràng. Mỗi dòng nhắm đến một phân khúc thiết bị di động khác nhau. Việc bạn biết được dòng nào ra sao nhắm tới phân khúc gì sẽ giúp bạn chọn mua máy phù hợp và đúng cái bạn cần.
Đầu tiên là dòng SoC giá rẻ Snapdragon 200
Snapdragon 200 là dòng chip thấp nhất của Qualcomm, nó chỉ dành cho các thiết bị giá rẻ. Ở thời điểm viết bài này có 5 model: Snapdragon 200, 205, 208, 210, 212. Chi tiết kĩ thuật của từng chip tạm thời không nói tới vì nó hơi phức tạp, anh em có thể coi kĩ hơn ở website Qualcomm. Nokia 2, chiếc smartphone giá rẻ của Nokia, hiện đang dùng Snapdragon 212. Chủ yếu con chip này sinh ra để đáp ứng những tác vụ cơ bản nhất của một cái smartphone như duyệt web, xem phim vui vẻ, nghe nhạc, Facebook, chat chit cơ bản.
Tuy nhiên bạn sẽ không thấy Snapdragon 200 nhiều đâu vì phân khúc này có MediaTek, một đối thủ rất lớn của Qualcomm, họ cũng có những SoC rất rẻ mà vẫn đáp ứng được tất cả nhu cầu nói trên. Trong tầm giá 2-3 triệu bạn sẽ thấy nhiều điện thoại Smartphone xử dụng chip MediaTek nhiều hơn Qualcomm đấy.
Thứ 2 là dòng phổ thông Snapdragon 400
Lên thêm một bậc, chúng ta có Snapdragon 400. Series này có thể xem như là cây cầu bắt giữa máy giá rẻ và máy tầm trung. Giống như dòng 200 ở trên, Snapdragon 400 chủ yếu được dùng cho các điện thoại ở mức 3-4 triệu và cũng bị cạnh tranh mạnh mẽ từ mediaTek. Số càng cao thì chip càng mạnh, ví dụ chip Snapdragon 425 thì mạnh hơn Snapdragon 420, 420 thì mạnh hơn 410 và cứ tiếp tục tương tự như thế.
Bạn có thể tìm thấy Snapdragon 435 trong Huawei Y7 Prime, LG Q6, trong khi Oppo A71 2018, Vivo V7 thì dùng Snapdragon 450.
So với 200, 400 mạnh hơn một chút, tức là điện thoại của bạn có thể chạy nhanh hơn, ngoài ra bộ xử lý đồ họa cũng được nâng cấp để chơi game ngon hơn và hình ảnh đẹp hơn. Chưa hết, bộ xử lý tín hiệu hình ảnh – ISP – cũng mạnh mẽ hơn nên sẽ giúp chụp ảnh đẹp hơn, ảnh cho ra chi tiết hơn, đúng màu hơn do thuật toán chạy tốt hơn. Những thứ như chụp ảnh liên tục, chụp ảnh HDR cũng nhanh hơn vì ISP mạnh hơn.
Thứ 3 là dòng tầm trung, cận cao cấp Snapdrargon 600
Snapdragon 600 có thể xem là dòng chip cân bằng nhất giữa hiệu năng, chi phí và những tiện ích mà nó mang đến cho người dùng. Bạn có thể tìm thấy các con chip 600 trong điện thoại tầm trung, khoảng từ 4-5 triệu cho đến chục triệu. Ý định của Qualcomm khi bán Snapdragon 600 đó là bạn có thể mua một chiếc điện thoại tầm trung rồi xài trong khoảng 1-2 năm mà vẫn ngon, còn hơn là bỏ nhiều chục triệu ra mắt smartphone flagship để rồi cũng đổi mới sau từng đó thời gian.
So với Snapdragon 400, Snapdragon 600 mạnh hơn khá nhiều, đặc biệt là các dòng cao như Snapdragon 660, 653 có hiệu năng gần bằng Snapdragon 800 của 1-2 năm trước đó. Với hiệu năng như thế này dư sức để bạn chơi game, xem phim 4K, thậm chí quay được cả video 4K nữa đấy. Máy chạy rất mượt, nhanh lẹ, pin ổn là những lợi ích mà bạn sẽ nhận được.
Snap 660, 653 là tương đối xịn rồi, thấp hơn tí và khá nổi tiếng thì có Snapdragon 625. Đây là một trong những con chip được các điện thoại tầm trung xài nhiều nhất vì giá rẻ, hiệu năng chấp nhận được, pin ngon, xử lý ảnh tốt. Cũng vì thế mà Snapdragon 625 vẫn còn xuất hiện tới tận ngày hôm nay dù nó đã ra mắt hồi năm 2016.
Nokia 7 Plus, Oppo R11s là những chiếc điện thoại dùng Snapdragon 660, ZenFone 5 thì dùng Snapdragon 636 để có các tính năng về trí tuệ nhân tạo.
Cuối cùng là dòng SoC cao cấp Snapdragon 800
800 là series chip mạnh nhất, cao cấp nhất của Qualcomm, chuyên dùng cho các điện thoại cao cấp giá nhiều chục triệu. So với những dòng chip trên thì 800 có ít model hơn, Qualcomm chỉ ra mắt 2 lần mỗi năm mà thôi vì như vậy người ta dễ nhớ hơn và hãng dễ xây dựng hình ảnh hơn. Năm 2018 con chip 800 Series sẽ là Snapdragon 845, còn năm ngoái là Snapdragon 835.
800 là nơi Qualcomm khoe những công nghệ và kĩ thuật mới nhất của mình. Nó dùng quy trình chế tạo mới nhất (10nm, tính đến thời điểm này), có CPU mạnh nhất, bộ xử lý đồ họa mạnh nhất, chip xử lý tín hiệu camera ngon nhất, chưa kể hỗ trợ đầy đủ màn hình độ phân giải cao, camera kép và tất cả những gì nổi trội có thể dùng để bán hàng. Chưa hết, Snapdragon 835, 845 còn có cả những tính năng trí tuệ nhân tạo. Những tính năng như thế này là thứ giúp Snapdragon 800 khác biệt so với dòng 600 trong bối cảnh hiệu năng của 600 đang cao hơn từng ngày.
Những thứ này đồng nghĩa với việc điện thoại của bạn sẽ chạy nhanh, rất nhanh, pin cũng khá ổn (cái này tùy máy, không nói chung chung được vì còn phụ thuộc vào phần mềm các hãng tích hợp vào máy), camera ngon lành, các tính năng bổ trợ phong phú, dư sức đáp ứng tất cả mọi nhu cầu về giải trí, chụp ảnh, video mà anh em muốn ở một chiếc smartphone hiện đại.
Tất nhiên là để có đồ xịn chơi thì các nhà sản xuất điện thoại phải chi nhiều tiền hơn. Đa số điện thoại dùng Snapdragon 800 đều tới từ các hãng lớn: Sony Xperia XZ2, ZenFone 5Z, Galaxy S9, Note 8, HTC U11, U12 sắp ra mắt… Chỉ trừ một vài máy của Xiaomi và OnePlus là có giá dễ thở mà thôi.
Thêm 1 vài tin thú vị liên quan với Snapdragon, đó là.
Những con chip cấp thấp mới đang bắt kịp chip cũ cấp cao.
Nghe thì có vẻ kỳ lạ nhưng sự thật là thế các bạn ạ. Ví dụ, Snapdragon 660 ra mắt năm 2017 mạnh gần bằng Snapdragon 820 ra mắt năm 2016, hay Snapdragon 450 tính ra cũng ngang với Snapdragon 625 ra mắt 1 năm trước. Thứ duy nhất 625 hơn 450 đó là xung nhịp, chỉ cao hơn một tí mà thôi, và hiệu quả bạn nhận được không phải là lúc nào cũng dễ thấy sự khác biệt.
Hay như Snapdragon 630 và 652, bạn nghĩ rằng 652 tốt hơn 630 đúng không? Không phải đâu, 630 mới hơn, có hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn và xét về tổng quan thì nó tốt hơn.
Qualcomm đang làm chúng ra rối về vụ này. Đây cũng là lý do vì sao mình không thể đưa ra cho các bạn một bảng so sánh chi tiết về mức độ cải thiện hiệu năng của các dòng Snapdragon với nhau. Về điều này, bạn phải xem xét từng trường hợp một mà thôi.
Ngoài Qualcomm còn có một số hãng khác như Kirin, Exynos, MediaTek. Đây đều là những cái tên lớn và có thể đọ được với Snapdragon dòng 800, tuy nhiên đối tượng khách hàng hơi khác một chút. MediaTek nhắm tới tầm trung và giá rẻ nhiều hơn, trong khi Kirin thường dùng trong máy Huawei do đây là chip họ tự làm, và Samsung thì dùng Exynos cho điện thoại của mình. Exynos cũng là dòng chip dùng trên Galaxy S, Note và nhiều loại khác bán tại Việt Nam.
Trên đây là tổng hợp về các dòng chip Snapdragon của Qualcomm được tổng hợp bởi NetOn. Hị vọng đây sẽ là kiến thức căn bản giúp ích được cho các bạn chọn mua 1 chiếc điện thoại phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế. Các bạn nghĩ sao về các con chip của Qualcomm? Hãy để lại ý kiến bình luận của các bạn và đặt câu hỏi về các chủ đề công nghệ ở dưới video này nhé. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong các videp tiếp theo của NetOn channel.